Thịt thỏ có ưu điểm là loại thực phẩm vừa có tính động vật vừa có tính thực vật. Thường xuyên ăn thịt thỏ vừa tăng thể chất, chống lão hóa, lại vừa chống béo phì, làm cho thân thể vừa vặn, bảo vệ được các tế bào da, giữ được sắc đẹp.
(Lược trích bài “Thịt thỏ”, trang 117 - 120, sách Giá Trị Dinh Dưỡng Của Thực Phẩm Màu Đỏ, Đặng Nguyên Minh biên soạn, NXB. Thanh Niên). Đồng thời, thịt nó còn có lợi cho người viêm dạ dày vì dễ tiêu và giúp “kiện não ích khí”, do chứa chất Lecithin.
Hiện ở khu vực TP.HCM và Bình Dương có hai trường phái bếp “danh trấn” các món thịt thỏ ngon giá bình dân. Theo kiểu Bắc thì có dãy quán gần cuối đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình). Dân sành ăn “chấm điểm” quán đầu (hướng Cộng Hòa vào) cao hơn vì bếp ở đây đều tay. Gia vị chủ đạo có riềng, mẻ, mắm tôm, củ sả, lá tía tô...
Đặc sắc hơn, phải kể tài nghệ bếp Tiều, ở quán Tư Quốc, trên khu du lịch Cầu Ngang khoảng 300 - 400m, hướng về chợ Búng, Bình Dương. Tốn 100.000 đồng, cho một đĩa thỏ nướng, khoảng 500g thịt, đủ để 2 - 3 người “ấm lòng chiến sĩ”. Mùi thịt thỏ thơm dịu dàng, góp phần khỏa lấp cái oi bức của ngày hạ. “Má” thịt ửng hồng, mềm dẻo, ngọt thanh, hậu chua nhẹ. Chấm thêm chút chao dầm, cặp vài lát cà chua, cắn tí ớt hiểm, ngon... "thấu trời”!
Ông Trần Minh, trưởng bếp nhà hàng Duyên Hải, cũng gốc Tiều, ở Cần Giờ, TP.HCM, bật mí về cách làm món này: “Ướp tí nước cốt chanh muối hoặc muối, sa tế, bột ngọt, rượu mạnh. Chờ ngấm 20 phút, vắt lên ít nước cốt cam sành hoặc chanh giấy. Trộn đều, nướng mê!”
Tuy nhiên, thỏ đực trưởng thành, nặng trên 2.5kg sẽ hôi... “nọc” (xạ) hơn thỏ cái. Khắc phục, phải cạo lông thỏ bằng nước ấm. Làm sạch. Thoa ít nước màu dừa pha loãng lên khắp mình thỏ (tạo da nâu... chờ lâu phát thèm) rồi thui sơ. Cạo sạch da. Thoa rượu mạnh và củ gừng giã nhuyễn toàn thân thỏ, treo lên 30 phút cho rỏ hết nước tanh, mới đem chế biến.
Dân Tây còn chết mê chết mệt thịt thỏ hơn ta. Món cổ điển là thỏ hầm rượu vang với ít củ cà rốt, nấm, khoai tây. Nghe có vẻ đơn giản nhưng không kém công phu. Bếp trưởng Lý Anh Tú, quán 48, trên đường Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM chia sẻ cách làm món này: “Phải ngâm cả con thỏ đã làm sạch cho ngập trong rượu vang Pháp, để trong tủ mát suốt 12 giờ. Lấy ra, thịt thỏ đỏ tươi màu trái nho chín mọng (đã lột vỏ). Hầm lửa nhỏ. Đạt: đùi thỏ sẽ thơm thanh thoát, mềm nhưng không nhão. Thịt nó ngọt bùi lẫn chút dư vị chua nhẹ của hạng vang xịn”. Nếu đúng vậy, cũng đáng liệt vào hàng thời trân (trân quý) thỏ “ngậm mà nghe”!
Thêm một thắc mắc, gan thỏ khá lớn sao vẫn cứ nhát? - Có thể, lúc xưa ở rừng hoang, họ nhà thỏ cứ mãi rong chơi, hay ỉ lại chút tài chạy nhanh (chuyện thỏ và rùa) không chịu học... võ, nên dễ bị bắt nạt.
Nay ta ăn gan thỏ nhà liệu có nhát không? - Hên, xui! Còn dược sĩ Bùi Kim Tùng cho rằng bộ phận này bổ dưỡng cao. Ông đề nghị món gan thỏ xào chua ngọt, sẽ giúp “Thanh nhiệt và bổ âm. Dùng trong trường hợp nóng gan thật hợp lý.”
Cần lưu ý thêm, theo ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, thầy thuốc cung đình, ở Gò Vấp TP.HCM, bình thường, đàn ông luôn dư dương còn phụ nữ thì mạnh âm. Tóm lại, món gan xào vừa nêu hợp với phái mạnh hơn.
Với quan điểm con người là tiểu vũ trụ, khoa y thực (ăn thay thuốc) của đông y cổ đại rất coi trọng yếu tố âm - dương trong thực phẩm, nhằm đạt độ hài hòa để trong “vinh ngoài vệ”. Thấu đáo đến mức phải tuân thủ mùa nào thức ấy, tùy vào tạng mỗi người. Theo đó, mùa hè ăn thỏ là tốt nhất. Có người lại tán: chắc mùa hè thỏ ít học thêm nên không bị xì - trét!
Đăng nhận xét